Người dân Ninh Thuận vật lộn trong nắng hạn

Những ngày tháng 4, các huyện Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Hải… (Ninh Thuận) nắng gay gắt. Hàng loạt sông, suối, hồ thủy lợi trơ đáy. Những cánh đồng ruộng nứt nẻ, khô khốc. Rẫy bắp người dân tộc Raglai queo quắt, mỗi trái lưa thưa vài hạt. Những vườn nho, hành, ớt héo úa. Cừu chết liên tục… Người dân các địa phương này phải vật lộn chống chọi với nắng hạn khắc nghiệt.

Giếng trơ đáy, người dân phải đi xin nước

Tại xã Phước Kháng (huyện Thuận Bắc), gần 7h, anh Katơr Trát (36 tuổi) cầm can nhựa 20 lít đến nhà văn hóa thôn Suối Le, chờ lấy nước. Mỗi ngày, anh hai lấy hai lượt, rồi mang về để cả gia đình bốn người sinh hoạt. Mọi người trong nhà chắt chiu mới đủ dùng. Địa phương dùng máy bơm, đặt hai bồn chứa lớn cung ứng nước.

Nước sinh hoạt trong thôn cạn kiệt, một số hộ có nguồn dữ trữ thì dùng tạm, nhưng nhiễm mặn. Giếng nhà anh Katơr đào từ nhiều năm trước, nay thì khô cạn. Hồi rất lâu, vài trận mưa tới, anh chủ động trữ, nhưng giờ nước cũng hết. “Mùa khô hạn kéo dài, chúng tôi không biết xoay xở thế nào”, anh lo lắng.

Đồng ruộng nứt nẻ, không thể trồng trọt nên ba sào đất trồng lúa của gia đình anh đành bỏ trống, chờ mùa mưa. Bò, dê gần chục con được nhốt trong chuồng. Vợ chồng kiếm cỏ, rơm khô về cho ăn tạm, riết rồi chúng gầy trơ xương.

Tại trường Phước Kháng có gần 60 em từ tiểu học đến mầm non bán trú cũng rơi vào cảnh tương tự. Sau giờ thể dục, các em mầm non xếp thành hàng để cô giáo rửa tay chân. “Nước đối với cô trò chúng tôi rất quý, nên phải dùng tiết kiệm”, nữ giáo viên Nguyễn Thị Tuyền cho hay.

Nước được các cô lấy từ giếng của làng, cho vào thùng nhựa. Nhiều hôm giếng cạn, họ lại cuốc bộ đến thôn văn hóa xin. “May mắn, phụ huynh liên tục mang đến cho, người hơn chục lít, có khi thì 20 lít”, cô kể.

Suốt bảy năm làm việc tại trường, cô Tuyền bảo rằng, năm nào trường cũng đối mặt với tình trạng thiếu nước khi đến hạn. Mọi người nhiều lần tìm cách khắc phục nhưng chẳng ra phương án, bởi tình trạng này diễn ra đồng loạt tại thôn Suối Le.

Hàng trăm con cừu chết vì kiệt sức

Huyện Bác Ái cũng rơi vào cảnh khô hạn trầm trọng. Nhìn đàn cừu gầy trơ xương, anh Nguyễn Quang (36 tuổi, xã Phước Trung) cho biết nuôi hơn 500 con, nhưng nhiều tháng nay chúng chết dần vì suy kiệt. “Hơn 30 con cừu từ giống mẹ đến con đã chết chỉ vì không có thức ăn”, anh nói, giọng rầu rĩ.

Từ đầu mùa khô đến giờ, mọi người trong gia đình anh “ăn ngủ không yên”. Họ, ngày nào cũng tìm đủ cách cứu, nhưng bất lực. Theo anh, việc mua thức ăn, nước uống chỉ là giải pháp trước mắt bởi khô hạn kéo dài thì con người còn không có dùng, huống chi vật nuôi.

Nhiều hộ nuôi cừu khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Từ tháng 3 đến nay, mỗi ngày ở địa phương đều có vài con chết, chủ yếu ở độ tuổi vài ba tháng. Do cừu mẹ vừa sinh xong không đủ sữa khiến con suy yếu, rồi chết.

Ông Nguyễn Võ Hữu Sơn (thôn Đồng Dầy) đầu tư gần tỷ đồng cho đàn cừu 500 con, nhưng chúng có dấu hiệu lờ đờ, ngắc ngoải. Gần hai tháng nay, 60 con với trọng lượng chừng 10 kg đã chết. “Loại này bán khoảng một triệu một con, khi chết chỉ được 100.000 đồng. Có khi không ai mua, phải đem chúng đi tiêu hủy. Nếu tình hình kéo dài gia đình không biết xoay xở ra sao”, ông Sơn âu lo.

Theo thống kê của địa phương, hai tháng đầu năm, gần 770 cừu, hơn 100 con dê bị chết. Nguyên nhân chủ yếu thiếu thức ăn, khan hiếm nguồn nước và số còn lại dịch bệnh.

Nông dân tìm nguồn nước để cứu nho

Ở huyện Ninh Hải, hồ thủy lợi Ông Kinh thuộc xã Nhơn Hải cũng trơ đáy nhiều tuần nay. Thẫn thờ nhìn rẫy nho hơn 2.000 gốc đang thiếu nước, ông Trần Tư Hùng (66 tuổi) cho biết tìm đủ cách chống chọi với tình trạng hạn. Ông bảo, gia đình có bốn giếng đào, với chi phí gần 100 triệu đồng, được làm từ nhiều năm trước nhưng nay không đủ nước phải làm thêm.

Sáng vài hôm trước, ông thuê máy múc đến bãi đất trống, cách vườn nho chừng 50 m để đào hố tìm nước. Mặc chiếc áo thun cộc tay, đội nón, mồ hôi nhễ nhại, ông loay hoay đóng những cọc tre quanh hố đào. Quanh đó, rất nhiều ống nhựa cùng máy bơm được chuẩn bị sẵn để kéo vào vườn nho.

Chủ vườn nho nói rằng cây nho là sinh kế giúp gia đình, nên không thể nhìn chúng chết. “Mình không làm, chờ đến mùa mưa thì vườn cây chắc chỉ còn củi khô”, người nông dân nói và cho biết, nho hiện có giá 20.000-40.000 đồng một kg, tùy theo loại, được mua tại vườn. Mỗi năm trúng mùa, gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng.

Sau hơn hai giờ, hố rộng gần 6 m, sâu chừng 5 m được đào xong, nhưng lượng nước chẳng được bao nhiêu. “Mỗi giờ máy múc đến làm việc được trả 600.000 đồng”, lái xe múc Trần Thái Khanh nói và cho biết rất nhiều người dân nơi đây thuê anh đào.

Trong khi đó, gần 4.000 m2 đất trồng nho lẫn hành gần lòng hồ ông Kinh của anh Phạm Ngọc Quang cũng đang héo dần. “Tôi trông ngày, canh đêm chờ nước nhưng không có. May mắn, giếng đào có ít nước để tưới chứ không mất trắng vụ này”, anh Quang nói và cho biết, hồi hai năm trước đã thuê thợ khoan đào giếng sâu gần 90 m, với giá 20 triệu đồng.

Còn vườn hành của bà Trần Thị Chín (48 tuổi) vì khô hạn mà phải thu hoạch non. Bà sau đó nhổ bỏ để trồng ớt, vì cần ít nước hơn. “Chờ đến mùa mưa, tôi lại tiếp tục trồng hành”, bà cho biết.

Khẩn trương chở nước cho dân

Trước thực trạng này, hôm 19/4 tỉnh Ninh Thuận họp các sở ngành bàn giải pháp chống khô hạn. Theo báo cáo, tổng dung tích ở 21 hồ chứa nước toàn tỉnh chỉ còn 119.69 triệu m3/194,49 triệu m2 (chiếm 61,54% dung tích thiết kế).

Huyện Thuận Bắc và Ninh Hải bị thiếu nước sinh hoạt được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hỗ trợ nước sạch miễn phí. Ngoài ra, tỉnh lên kế hoạch đấu nối đường ống để các xã có nước sẽ truyền về cho địa phương bị thiếu.

Ông Trần Quốc Nam – Phó chủ tịch tỉnh đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân sơ tán gia súc, gia cầm đến những khu vực có đủ thức ăn, nước uống. “Nhất là đàn cừu, không để tình trạng chết tiếp diễn”, Phó chủ tịch tỉnh nói và yêu cầu những đơn vị chuyên trách khảo sát để đào thêm ao hồ cho người dân vì khả năng tình trạng khô hạn còn kéo dài.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoàng Văn Thắng cùng đoàn công tác đã đến Ninh Thuận thị sát về tình trạng khô hạn. Ông yêu cầu tỉnh ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, sau đấy đến gia súc rồi phục vụ tưới tiêu cho những loại cây trồng có giá trị cao. Ngoài ra, địa phương cần có khuyến cáo người dân không trồng cây tại những điểm thiếu nước.

IMG-1984-JPG-4264-1524041359

Nguồn copy